An táng Quang_Trung

Viếng Quang Trung

Thi hài Quang Trung được táng ngay tại Phú Xuân, tại một cung điện của ông tên là Đan Dương. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh, sai sứ sang Nhà Thanh báo tang và xin tập phong.Đô đốc Vũ Văn Dũng đang đi sứ Nhà Thanh ở Bắc Kinh, nghe tin Quang Trung mất liền làm bài thơ viếng như sau:

Bố y phân tích ngũ niên trungMai cố thi vi tự bất đồngThiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷBất y Đường Tống thuyết anh hùngDịch:Năm năm dấy nghiệp tự thân nôngThời trước thời sau khó sánh cùngTrời để vua ta thêm chục tuổiAnh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.[125]

Vua Càn Long tặng tên hiệu cho ông là Trung Thuần, lại thân làm một bài thơ viếng và cho một pho tượng, 300 lạng bạc để sửa sang việc tang. Sứ Nhà Thanh đến tận mộ ở Linh Đường (mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) để viếng.

Theo Đại Nam liệt truyện - Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu của Sử quán triều Nguyễn: "Sai Thị trung Đại học sĩ là Ngô bộ Tả đồng nghị là Nguyễn Viết Trực, Hộ bộ Tả thị lang là Nguyễn Văn Thái, sang nước Thanh báo tang, nói dối là Huệ dặn sau khi chết rồi táng ở Tây Hồ Bắc Thành, ngõ hầu được gần cửa vua để nương tựa, vua nước Thanh tin lời, cho tên thuỵ là Trung Thuần, thân làm một bài thơ để viếng."

Lăng mộ bị phá

Thời Cảnh Thịnh, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục. Nguyễn Ánh nhân thời cơ đó kéo ra đánh bại Nhà Tây Sơn. Mười năm sau ngày Quang Trung qua đời, Nhà Tây Sơn sụp đổ hoàn toàn (xem thêm bài về Nhà Tây Sơn). Để trả thù xưa, Nguyễn Ánh sai đào mộ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, tán hài cốt thành bột nhồi thuốc súng bắn và bỏ xương sọ vào vò, giam trong ngục tối. Người đời thương tiếc Nhà Tây Sơn gọi là "Ông Vò".

Nơi đặt lăng mộ của Quang Trung cũng bị san phẳng, không cho để lại dấu tích, nên sau này có một số nhà nghiên cứu đã dày công tra cứu, khảo sát, tìm tòi song không thể xác định được mộ vua Quang Trung ở địa điểm nào[126]

Khảo sát trong thời gian gần đây của các nhà nghiên cứu đã tìm ra bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu (Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung) của nhà thơ Lê Triệu (1771-1846), người sống dưới thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Bài thơ nói về cảm xúc của tác giả khi đứng trước nơi từng là lăng mộ của Quang Trung, chỉ sau mấy năm bị Nguyễn Ánh khai quật (theo các nhà nghiên cứu là năm 1801[127] hay 1802[128]):

Trấp niên sất sá tẩu phong vânNhư thử anh hùng cổ hãn vănHàm Dã độc Lưu thiên vạn cốt"Khuân Sơn" hoạ tại bách niên phầnKhông hàm chỉ chỉ thiên thu hậnCô phụ đường đường bát xích thânQuang cảnh nhất ban thành phấn mịLinh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần!

Dịch thơ (Hồng Phi phiên âm và dịch):

Bao năm thét mắng át phong vânĐủ thấy anh hùng - bậc vĩ nhânHàm Đan hận vùi muôn vạn xác"Khuân Sơn" phần mộ hoạ trăm năm[i]Ngậm hờn chỉ trích ngàn thu hậnNỡ phụ đường đường tám thước thânQuang cảnh thảy đều thành cát bụiKhiến đời muôn thuở cợt Doanh Tần![j]

Ấp Tây Sơn nơi ông khởi nghĩa cùng vua anh, tới tháng 9 năm 1819, Nguyễn Ánh lệnh đổi thành An Tây, sau đó lại đổi thành An Sơn.

Câu chuyện về "Ông Vò"

Trong vòng 20 năm từ 1802 - 1821, đầu lâu của các vua Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung và Quang Toản) bị bỏ vào ba cái vò, giam ở nhà Đồ Ngoại,[129] tức là Võ Khố sau này[k]Từ năm 1822 - 1885, các vò bị giam vào Khám đường, ở phía tây bắc kinh thành Huế, khoảng giữa cửa chính Tây và An Hòa.[129] Ba chiếc vò bị xiềng và giam riêng, ngăn cách nhau, ngoài có niêm phong, hàng tháng có đoàn của triều Nguyễn xuống kiểm tra. Ba chiếc vò được các tù nhân tôn kính gọi là "Ông Vò", còn những người gác ngục gọi là "chúa ngụy".[129] Những người sống ở gần Khám đường đều tỏ ra kính cẩn ba Ông Vò, họ thường cúng bái và coi như thần hộ mệnh.[129]

Năm 1885, kinh thành Huế biến động bởi chiến tranh giữa phe chủ chiến của Nhà Nguyễn với người Pháp, ba chiếc vò bị mất tích. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu về vấn đề này nhưng chưa có kết luận cuối cùng.[130] Theo Báo Đất Việt thì vào đêm 22 rạng 23 tháng năm Ất Dậu (1885), phòng thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng hoàng gia phải rời khỏi phòng thành, quân Pháp tràn vào thành. Lúc đó, có người mang 3 vò chạy trốn. Riêng một vò (hộp sọ vua Quang Trung) được một ông họ Phan, người ở gần Cầu Ngói đã theo hào, lạch, sông đưa về Cầu ngói Thanh Toàn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quang_Trung http://www.bbc.com/vietnamese/forum-42559234 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/486096 http://www.thuvienbinhdinh.com/diachi/uniisis.asp?... http://www.thuvienbinhdinh.com/diachi/uniisis.asp?... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/HXH... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/HXH... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/hoa... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb12345095h http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb12345095h http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/vua/q...